Tây Sơn chiếm thành Phú Xuân Chiến_tranh_Tây_Sơn-Chúa_Trịnh

Tây Sơn ra quân

Tháng 3 năm 1786, dân Bắc Hà bị nạn đói[2]. Sang tháng 4 năm đó, tướng trấn giữ Phú Xuân của Bắc Hà là Phạm Ngô Cầu sai sứ là Nguyễn Phú Như vào Quy Nhơn mượn tiếng trao đổi vấn đề biên giới, nhưng thực ra muốn dò tình hình Tây Sơn. Phú Như vốn có quen biết với Nguyễn Hữu Chỉnh, bèn mang tình hình Thuận Hóa nói lại. Hữu Chỉnh bèn xin Nguyễn Nhạc ra quân đánh Thuận Hóa. Nguyễn Nhạc quyết định ra quân.

Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy, cùng các tướng Vũ Văn Nhậm làm tả quân đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm hữu quân đô đốc, Nguyễn Lữ chỉ huy đội dự bị thủy quân[3]. Quân Tây Sơn tham chiến tất cả 1 vạn người[4].

Phía quân Trịnh có trên 3 vạn quân[5]. Tuy nhiên, Thuận Hóa trong nhiều năm không có chiến tranh, quân số tuy khá đông nhưng phòng thủ không chặt chẽ[6]. Chủ tướng Phạm Ngô Cầu chuyên làm việc buôn bán, không sắm sửa khí giới phòng bị lương thực[2].

Tây Sơn đánh chiếm Hải Vân

Biết Phạm Ngô Cầu là người tin vào việc bói toán, Nguyễn Huệ sai một thủ hạ người Hoa giả làm thày bói tới Phú Xuân ra mắt quận Tạo Phạm Ngô Cầu, khuyên Cầu nên lập đàn giải hạn. Quận Tạo nghe theo, bèn lập đàn chay ở chùa Thiên Mụ trong 7 ngày 7 đêm[7]. Trong khi tướng sĩ phía Trịnh mất cảnh giác thì quân Tây Sơn bắt đầu lên đường ra bắc ngày 28 tháng 4 âm lịch tức 25 tháng 5 năm 1786[8].

Trung tuần tháng 5 âm lịch năm 1786, đạo quân bộ của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tập kích bất ngờ nơi này, quân Trịnh không kịp trở tay. Hoàng Nghĩa Hồ mang quân ra địch bị tử trận[2].

Đánh chiếm được Hải Vân, Nguyễn Huệ lập tức thúc quân tiến thẳng ra Phú Xuân.

Phú Xuân thất thủ

Trong khi Phạm Ngô Cầu vẫn đang cầu cúng ở chùa Thiên Mụ thì được tin Hoàng Nghĩa Hồ tử trận. Quận Tạo vội lệnh cho quân sĩ về thành chuẩn bị đối phó, nhưng các tướng sĩ vất vả đã mỏi mệt và tinh thần chiến đấu suy nhược[9].

Để ly gián các tướng Trịnh giữ Phú Xuân là Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể, Nguyễn Huệ dùng Nguyễn Hữu Chỉnh đứng tên nhân danh người quen cũ, viết thư dụ hàng Hoàng Đình Thể, song lại cố ý đưa thư nhầm cho Phạm Ngô Cầu. Phạm Ngô Cầu tiếp thư bắt đầu nghi ngờ Đình Thể không hết lòng chiến đấu. Bản thân quận Tạo cũng sinh ý định hàng Tây Sơn, bèn dìm bức thư đó không đưa cho quận Thể[2][10].

Quân Tây Sơn kéo đến sát thành Phú Xuân. Sau khi đánh đắm một tàu Bồ Đào Nha ủng hộ quân Trịnh, thủy quân Tây Sơn theo sông Hương áp sát thành, trong khi đó bộ binh Tây Sơn cũng tiến đến vây thành.

Trong thành, Phạm Ngô Cầu muốn hàng, chỉ có Hoàng Đình Thể nghênh chiến. Hoàng Đình Thể tập trung pháo trên mặt thành bắn xuống dữ dội. Bộ binh Tây Sơn phải giãn vòng vây lùi ra xa. Nguyễn Huệ điều quân bộ lên thuyền thủy binh ở bờ sông Hương, dùng đại bác bắn lên thành chống lại pháo quân Trịnh, nhưng từ mặt nước lên mặt thành quá cao nên đại bác Tây Sơn bắn không tới, buộc phải tạm ngưng chiến[11].

Lúc đó là tháng 5 đang mùa nước lũ, ban ngày mực nước thấp, tới đêm nước dâng cao. Biết quy luật nước lên xuống, Nguyễn Huệ bèn đổi chiến thuật không đánh ban ngày mà đánh ban đêm. Đêm ngày 20 tháng 5 âm lịch tức 15 tháng 6 năm 1786, nước dâng ngập chân thành Phú Xuân. Nguyễn Huệ hạ lệnh tiến công. Thủy quân Tây Sơn tiến đến nã pháo vào trong thành. Hỏa lực quân Trịnh mất tác dụng. Hoàng Đình Thể không thể dùng pháo binh chống lại quân Tây Sơn được nữa, phải cùng các con và thuộc tướng Vũ Tá Kiên mở cửa thành ra nghênh địch[2].

Đánh nhau được 1 canh giờ, Hoàng Đình Thể thuốc súng và đạn đều hết, bèn sai người vào thành xin tiếp viện, nhưng Phạm Ngô Cầu đóng cửa thành không cứu viện. Nhưng trong lúc quận Thể đang chiến đấu thì trên mặt thành, quận Tạo đã kéo cờ trắng xin hàng. Đình Thể cùng thuộc tướng Vũ Tá Kiên lần lượt tử trận. Nguyễn Huệ thúc quân ồ ạt tiến lên chiếm thành. Thuận Hóa thuộc về Tây Sơn.

Trong lúc Nguyễn Huệ tác chiến ở phía nam thì Nguyễn Lữ mang quân thủy ra sông Gianh. Khi quân Tây Sơn kéo đến, các tướng sĩ Bắc Hà đều bỏ thành lũy chạy trốn[12]. Khi quân Tây Sơn chiếm được Bố Chính sắp tiến vào Leo Heo thì quân Trịnh tại đây cũng bỏ chạy, nhưng bị dân địa phương bắt nộp cho quân Tây Sơn.

Quân Tây Sơn tiến đánh lũy Đồng Hới (lũy Thầy) do Phái Vị hầu và Ninh Tốn chỉ huy. Tuy thành lũy khá kiên cố nhưng tinh thần quân Trịnh tại đây cũng bạc nhược. Hai tướng Trịnh sợ bị đánh từ cả đường thủy lẫn đường bộ, không dám chống cự bèn theo đường núi trốn thoát về Bắc. Ngày 26 tháng 5 âm lịch tức 21 tháng 6, quân Tây Sơn chiếm đóng lũy Đồng Hới[13].

Toàn bộ lãnh thổ phía nam sông Gianh, tương đương với lãnh thổ chúa Nguyễn cai quản trước đây, thuộc về Tây Sơn[14].